Nhiều chủ nhà khổ sở vì chuyện thấm dột khi mùa mưa đang đến, sửa tới, sửa lui mà vẫn không khắc phục được. Theo giới xây dựng, việc chống thấm rất khó khăn và vất vả, bởi thấm dột như căn bệnh ung thư, lan truyền khắp nơi rất khó dò tìm
Nhiều văn phòng thiết kế, tư vấn xây dựng tại TPHCM cho biết đa số khách hàng tìm đến văn phòng để thực hiện dịch vụ chống thấm nhiều hơn là thiết kế vẽ mô hình, kết cấu ngôi nhà.
Chống thấm: Coi chừng “tiền mất, tật mang”
Ông Hà Thanh Sơn ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, than thở: “Nhà tôi xây dựng xong từ năm 2002, nhưng chỉ sau một mùa mưa là vách tường, mái bằng đều thấm tùm lum. Liên hệ với thầu xây dựng thì bị từ chối do hợp đồng không có ràng buộc về khoản chống thấm. Lúc này tôi nghĩ việc chống thấm không có gì phức tạp, thấm đâu chống đó, cho nên thuê thợ hồ đến khắc phục. Thợ cũng đục đẽo, dặm vá, trát lại năm, bảy lần nhưng đâu lại hoàn đấy”.
Giới xây dựng cho biết, chưa có trường lớp nào dạy nghề chống thấm. Do đó việc này lâu nay chỉ là mò mẫm, rút kinh nghiệm. Hiện nay có hàng chục sản phẩm chống thấm từ hữu cơ, vô cơ cho đến hỗn hợp 2 chất, tuy nhiên để chống thấm hiệu quả trước tiên phải tìm cho được nguyên nhân gây thấm từ đâu. Sau đó mới chọn sản phẩm chống thấm phù hợp, thi công đúng kỹ thuật.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Châu, Văn phòng Tư vấn Thiết kế Kiến trúc & Xây dựng CA, cho biết việc chống thấm phải được thực hiện từ đầu, nghĩa là các bước thi công công trình đều phải bảo đảm kỹ thuật, sử dụng đúng vật tư, thiết kế cũng như chất chống thấm. Các bước trên phải được dân chuyên môn giám sát chặt chẽ. Công trình đã qua sử dụng mà bị thấm dột sẽ rất khó khắc phục, nếu không tìm được nguyên nhân gây thấm xuất phát từ đâu. Chẳng hạn, nhà bị thấm ở chân tường nguyên nhân có thể từ kẽ hở giữa 2 vách tường (nước mưa chảy xuống tồn đọng phía dưới chân tường), thậm chí từ vách nhà bên cạnh thấm sang. Hoặc thấm từ vị trí khác ăn luồn bên trong cho đến vị trí yếu nào đó sẽ thấm ra ngoài. Chưa hết, còn có nguyên nhân thấm ngược từ dưới chân tường lên trên.
Một số nguyên tắc chống thấm hiệu quả
Theo kinh nghiệm của giới xây dựng đối với nhà cũ bị thấm cần tìm vị trí thấm ở đâu, môi trường nước gần nhất, vị trí tiếp xúc nước theo trục đứng... Đối với sàn bê tông nên xem lại độ dốc có thích hợp để thoát nước chưa. Đối với toilet nên hạ nền xuống thấp hơn nền nhà. Chân tường toilet bị thấm nên phá bỏ lớp này làm lại và trộn thêm chất chống thấm vào với nhiều lớp kể cả lớp áo bên ngoài. Bị thấm từ chân tường lên vách nên dò tìm nguyên nhân, có thể do thấm từ ống cấp, thoát nước hoặc từ hầm chứa. Sau đó đục vữa tô tường, trát lại vữa mới có trộn với phụ gia chống thấm.
Đối với mái bằng bị thấm là do tiếp xúc trực tiếp với thời tiết khí hậu nhiệt đới quá khắc nghiệt, dẫn đến các chất phụ gia, chống thấm bên trong có gốc hữu cơ bị lão hóa, cũng như sử dụng mác xi măng cao, dày (với tâm lý mác càng cao thì càng tốt) theo thời gian nguy cơ nứt càng lớn do bị co dãn mạch, đùn đẩy dẫn đến hiện tượng nứt. Có thể khắc phục bằng cách tạo ẩm cho mái bằng như trồng cây, cỏ, rau... Ngoài ra, chủ nhà có thể đổ thêm lớp vữa dày trộn với phụ gia chống thấm, tạo độ nghiêng khoảng 2% để thoát nước tốt. Sau đó đổ thêm một lớp chống thấm lên trên. Để giữ độ ẩm nhằm hạn chế sự co dãn của vật liệu, chủ nhà có thể lót thêm lớp đan, hoặc gạch nung. Trên cùng phủ thêm một lớp vữa, có trộn với chất chống thấm.
Trước khi thi công chống thấm nên đục bỏ vữa, bê tông nơi bị thấm, làm sạch bề mặt. Đối với vết nứt trên mái bê tông, mối nối giữa đường ống và sàn nên đục thành rãnh hình chữ V. Nếu có khe hở nên trám bằng loại keo chống thấm.
Gia Hưng
Việt Báo (Theo_Người lao động)
Việt Báo (Theo_Người lao động)
Nhận xét
Đăng nhận xét