Ngành gốm sứ: Giải quyết bài toán công nghệ để phát triển

Hiện nay, tổng công suất thiết kế của ngành sản xuất gạch ốp lát nước ta khá lớn, đạt trên 300 triệu mét vuông một năm, đứng trong “top” 10 các nước sản xuất gạch ốp lát trên thế giới.
Hàng năm, doanh thu từ gạch ốp lát mang lại là trên 1 tỉ USD và tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động trên cả nước. Tuy nhiên, ngành gạch ốp lát Việt Nam còn bộc lộ hạn chế: chất lượng chưa cạnh tranh, giá thành còn cao, mẫu mã còn nghèo nàn và thương hiệu còn chưa nổi trội... Chính vì thế, ngành gạch ốp lát Việt Nam đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh quốc tế và ngay tại thị trường trong nước. Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam hiện có 74 thành viên hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực gốm sứ nhưng lại hầu như chưa có sự phối hợp tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) và dịch vụ KHCN như nghiên cứu chế tạo, cải tiến thiết bị và công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo cán bộ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật bậc cao… Các đơn vị đều đơn lẻ, trang trải mọi chi phí để tự nghiên cứu, tự đào tạo. Hầu hết dây chuyền thiết bị chính và hóa chất, phụ gia vẫn phải nhập từ Châu Âu và Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Prime Group - cho rằng: “Giá trị gia tăng trong sản phẩm gạch ốp lát của chúng ta thấp hơn rất nhiều so với các nhà sản xuất Châu Âu vì chúng ta chưa có nghiên cứu tập trung. Các doanh nghiệp của chúng ta cũng đầu tư phát triển KHCN nhưng manh mún, chưa tới nơi tới chốn, và chưa có nơi tập hợp nhà khoa học trong và ngoài nước để tập trung vào nghiên cứu sản xuất ra những nguyên vật liệu tinh từ nguồn nguyên liệu sẵn trong nước. Trong khi đó, VN được đánh giá là nước có tiềm năng về gốm sứ”. Viện Nghiên cứu Gốm sứ sẽ tập trung nguồn lực nghiên cứu các sản phẩm bọt màu, men và các chất phụ gia tăng cường... Như vậy, chi phí bỏ ra của các doanh nghiệp rất cao nhưng hiệu quả mang lại không tương xứng, không tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước. Trong khi đó, có nhiều đề tài và công trình trong nước lại khó tiếp cận được với thực tiễn và đi sát với mục tiêu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN cũng cho rằng: “Sản lượng gạch ốp lát của VN đứng trong top 10 trên thế giới nhưng giá trị gia tăng lại thấp. Giá bán trên thị trường của gạch ốp lát Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Ý, bằng 1/4 của Tây Ban Nha. Tôi cho rằng, cần giải quyết vấn đề công nghê, cái mà lâu nay chúng ta nhập khẩu từ Châu Âu và chọn lọc từ nhiều nước khác”. Theo TS Lê Đình Quý Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gốm sứ Việt Nam, Viện mới ra đời nhưng ngay trong năm 2010 sẽ tập trung mọi nguồn lực và hợp tác với các đơn vị chuyện sâu trong nước để nghiên cứu khai thác đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất các sản phẩm (nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp gốm sứ) mà trong nước chưa sản xuất được nhằm nâng cao tính chủ động về nguyên liệu. Các sản phẩm chính bao gồm: bột màu cho men, màu cho xương, màu trang trí, men in, vật liệu chịu lửa, bi nghiền, tấm lót máy nghiền, phụ gia cho nghiền men và xương… Ngành sản xuất vật liệu gốm sứ nước ta hiện sử dụng một lượng lớn các nguồn nguyên liệu khoáng như đất sét, cao lanh, pyrophyllite, tràng thạch, talc, đá vôi, ôxít nhôm,… Đây là những nguyên liệu có sẵn nhưng các doanh nghiệp trong nước hiện mới chỉ dừng lại ở công đoạn khai thác và làm giàu sơ bộ, chưa đầu tư vào chế biến sâu nên gây ra tình trạng lãng phí, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tới môi trường.


Do đó, trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu Công nghệ Gốm sứ cũng sẽ phối hợp với các viện, các khoa chuyên ngành trong nước để triển khai dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm tinh chế từ quặng, phục vụ nhu cầu về nguyên liệu của các doanh nghiệp gốm sứ trong nước. Đối với các thiết bị máy móc của các doanh nghiệp gốm sứ mà hầu hết là nhập khẩu, hiện nay năng lực của một số công ty cơ khí trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu chế tạo, cải tiến các thiết bị cho ngành như máy nghiền, máy sấy phun, lò nung, máy tráng men, máy trộn,… Tuy nhiên, việc chế tạo theo đơn đặt hàng riêng lẻ từng thiết bị thì sẽ có giá thành cao, khả năng cạnh tranh so với các thiết bị nhập khẩu kém. “Do vậy, viện cũng định hướng phối hợp với các nhà chế tạo đầu tư, xây dựng phương án chế tạo, cải tiến những thiết bị công nghệ trong nước có thế mạnh. Về lâu dài sẽ hình thành những doanh nghiệp chuyên chế tạo thiết bị công nghệ cho ngành gốm sứ, góp phần giảm giá thành thiết bị và tăng sự chủ động cho các doanh nghiệp gốm sứ trong nước” - TS Lê Đình Quý Sơn nói. Chất lượng, kiểu mẫu, chủng loại sản phẩm gốm sứ của hàng trong nước đa phần vẫn chạy theo hàng ngoại nên việc huy động lực lượng các nhà khoa học của viện và các đơn vị nghiên cứu trong nước cùng tham gia nghiên cứu, tư vấn, thiết kế, tiếp thu và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp. Viện cũng sẽ tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn cho đội ngũ KHCN và công nhân kỹ thuật chuyên ngành. Để cập nhật thông tin, kết quả phát minh với xu hướng nghiên cứu phát triển của thế giới cũng như trao đổi, hợp tác quốc tế viện cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN tổ chức thường xuyên các hội thảo khoa học quốc tế, các đợt tham quan, học tập, trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu với các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành hoặc với các tập đoàn có tiềm năng công nghệ của nước ngoài.

>> Thông tin về các loại bi nghiền

Nhận xét