EmailTwitterGlusPrint Lãnh đạo các bộ ngành kêu gọi hợp tác để phát triển thanh toán điện tử Việt Nam

Diễn đàn quy mô lớn về thanh toán điện tử lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam chính thức khai mạc với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế.

8h sáng 16/12/2015 tại Hà Nội, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015) do Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức đã chính thức diễn ra. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử, với hai nội dung thảo luận chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới.

Chương trình đón Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - Vũ Viết Ngoạn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cùng đại diện cao cấp của các bộ, ngành, ngân hàng và nhiều vị khách quan trọng khác.

Mở đầu diễn đàn, ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập Báo điện tử VnExpress cho rằng, trong các mối quan tâm của xã hội hiện nay thì chuỗi thanh toán là một trong các mối quan tâm lớn nhất. Bên cạnh đó là những băn khoăn, kỳ vọng làm sao để phát triển nhanh hơn về thanh toán điện tử, vì hiện mới chỉ chiếm hơn 50%.

Trong bối cảnh đó, thì sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan có ý nghĩa hết sức quan trọng. Và trước tình hình đó, Báo VnExpress đã sáng kiến ra Diễn đàn thanh toán điện tử để phối hợp với Banknet.vn tổ chức diễn đàn này.

Năm ngoái khi tổ chức My Ebank thì chỉ trong thời gian ngắn đã thu hút hơn 2 triệu người quan tâm đánh giá về thanh toán điện tử. Đây là con số thực, việc thực thể hiện sự quan tâm lớn của xã hội với thanh toán điện tử.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, ông Đam nhận định.

Theo Phó thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng, đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến đã được đề ra từ lâu, tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên, để Việt Nam có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn.

“Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó tốt diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó thủ tướng nhận định.

Đại diện Chính phủ cũng bày tỏ sự tin tưởng về sự phát triển của thanh toán điện tử tại Việt Nam nếu tất cả các cơ quan, bộ ngành, doanh nghiệp cùng chung tay phát triển phương thức này trở nên quen thuộc, thân thiện, văn minh hơn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và thông điệp chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại diễn đàn này là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn.

Theo đó, Diễn đàn thanh toán điện tử - VEPF 2015 có hai nội dung chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết Thoả thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cùng đại diện các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Qua lễ ký kết này, Ngân hàng Nhà nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác nhiều hơn nữa của các bộ ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử ngày càng phát triển.

Bước vào phần tham luận, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước trình bày những giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử để làm sao giúp tạo thuận lợ nhất cho doanh nghiệp.

Theo đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã tạo chuyển biến có tính cách mạng, làm thay đổi bộ mặt xã hội. Những công nghệ mới, kỹ thuật mới của kỷ nguyên số cho phép phát triển những phương thức thanh toán mới, trong đó phát triển thanh toán điện tử là một xu hướng của thời đại mới.

Ông Tiên cho biết, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại hết sức quan tâm đến phương thức này. Quá trình triển khai đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại, giúp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, gia tăng luân chuyển vốn trong nền kinh tế và hỗ trợ đắc lực cho trao đổi, phân phối hàng hóa, dịch vụ của các ngành, lĩnh vực.

Gần đây, lĩnh vực dịch vụ công điện tử đang được Bộ Tài Chính đẩy mạnh. Theo số liệu Bộ Tài chính, đến nay đã có 90% số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, tuy nhiên số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có sự phối hợp giữa Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước và hệ thống thanh toán của các ngân hàng làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Một khía cạnh khác, thanh toán điện tử vẫn còn rất thấp. Năm 2014, mua bán trực tuyến đạt doanh số 3 tỷ USD, nhưng thanh toán điện tử chỉ chiếm khoảng 5%. Số lượng POS lắp đặt đã tăng nhanh, dự kiến có thể đạt 25.000 POS cuối năm 2015, tuy nhiên số lượng thanh toán chưa nhiều.

Ông Tiên đề nghị giữa ngành ngân hàng và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần phải tăng cường việc trao đổi, bàn cách phối hợp đồng bộ, hiệu quả trên mọi khía cạnh từ cơ chế, chính sách, mô hình kết nối, các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ, tiêu chuẩn công nghệ…

Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới nhất của thế giới vào thanh toán điện tử, thay đổi cách thức hoạt động…giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm lớn về thời gian, chi phí, nguồn lực cũng như nâng cao hiệu quả chung của kinh tế xã hội.

Ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay những chính sách của Chính phủ để phát triển thương mại điện tử đã rất rõ ràng.  Những điều kiện để phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử như hạ tầng kỹ thuật đã rất thuận lợi.

“Các quốc gia khác trong khu vực đều tăng trưởng 2 con số về thương mại điện tử và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu hướng đó. Do đó, phải làm sao để thanh toán điện tử sẽ góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, hiện đại hóa ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển đúng với quy mô và tiềm năng”, ông Tuấn Anh nhận định.

Thứ trưởng cũng khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Công Thương đối với việc xây dựng chính sách thương mại điện tử toàn diện nói chung, trong đó có thanh toán điện tử với những nội dung, giải pháp rất cụ thể. Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong việc chứng kiến sự hợp tác liên Bộ giữa ngành Tài chính – Công Thương – Ngân hàng Nhà nước để đẩy mạnh thanh toán điện tử trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, năm 2015 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19, và gần đây nhất là Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, thể hiện rõ tầm quan trọng của Chính phủ điện tử; trong đó khâu thanh toán điện tử - một khâu mấu chốt, khép lại một chu trình thương mại điện tử - đã và đang được tích cực triển khai tại Việt Nam hiện nay.

Dựa trên chiến lược dài hạn đó, Tổng cục Thuế đã triển khai cung cấp toàn diện các dịch vụ thuế điện tử, bao gồm: đăng ký, kê khai và nộp thuế điện tử; tổ chức các đợt trao đổi, ký kết thoả thuận hợp tác triển khai nộp thuế điện tử với các ngân hàng  thương mại, bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã góp phần tiết kiệm tối đa thời gian và nhân lực của doanh nghiệp cho việc nộp thuế; đồng thời hạn chế sai sót khi kê khai, thanh toán thuế và được cơ quan thuế xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế ngay tại thời điểm thực hiện giao dịch, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Với những nỗ lực trên, hiện ngành thuế đã ký thỏa thuận với 43 ngân hàng, trong đó 27 ngân hàng trong nước và 3 ngân hàng nước ngoài đã chính thức cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến cuối tháng 11 đã có 92% doanh nghiệp kê khai nộp thuế điện tử nhưng việc nộp thuế thì lại chưa cao.

Ông Trí cũng cho biết, nhóm đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn trong số người nộp thuế cả nước, do đó, việc triển khai các thủ tục hành chính về thuế thông qua giao dịch điện tử, trong đó khai thuế và nộp thuế điện tử là một yêu cầu, nhiệm vụ tất yếu đối với cơ quan thuế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thuế của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế cả nước.

Mục tiêu trước tiên là khai thuế và nộp thuế điện tử đối với một số đối tượng phát sinh giao dịch với cơ quan thuế nhiều mà chưa có dịch vụ điện tử hỗ trợ, cụ thể là 4 nhóm đối tượng: Cá nhân khai lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, nhà đất; cá nhân chuyển nhượng bất động sản; cá nhân cho thuê tài sản và hộ kinh doanh.

Theo đó, ông Trí cho hay, từ ngày 1/1/2016, hộ kinh doanh thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với nộp thuế theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh được quản lý theo phương thức điện tử và nộp thuế điện tử qua đơn vị uỷ nhiệm thu thuế như nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng, nộp qua thẻ, nộp qua internet banking...

Từ 1/7/2016, triển khai thí điểm khai và nộp thuế điện tử cho cá nhân khai lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, cho thuê nhà, nộp các khoản thu liên quan đến đất. Và từ 1/1/2017, triển khai diện rộng toàn quốc của 3 lĩnh vực thí điểm và mở rộng cho các lĩnh vực khác: lệ phí trước bạ tài sản phải đăng ký khác, cho thuê tài sản, hộ kinh doanh qua mạng.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết áp dụng thu thế trực tuyến đồng bộ sẽ góp phần vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, ông Lộc cho rằng việt Nam đang tham gia hai cuộc cách mạng mang tính thời đại là FTA và công nghệ thông tin. Để hội nhập sâu rộng vào thế giới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc thanh toán điện tử.

"Thanh toán tiền mặt là trở ngại cho việc tham nhũng, không minh bạch. Sử dụng tiền mặt là văn hoá của người Việt từ lâu, khi vào cuộc chơi hội nhập với hàng loạt các cường quốc công nghệ thông tin, chúng ta phải đảo ngược tình thế phải thanh toán điện tử”, ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cho rằng, nộp thuế điện tử cũng là động lực khiến doanh nghiệp đổi mới mô hình quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại hơn để bắt kịp xu hướng thay đổi của quốc tế và những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, từ việc đăng ký nộp đến việc thực hiện vẫn là chặng đường khá dài, vì vậy ông Lộc đề xuất những giải pháp tháp gỡ. Thứ nhất, phải xây dựng lòng tin cho doanh nghiệp, để họ không còn cảm thấy khó khăn và “nản” khi thử nghiệm áp dụng nộp thuế không dùng tiền mặt. Thứ hai là phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp hiểu chính sách và vận động họ đăng ký nộp thuế điện tử.

Đồng thời, các ngân hàng, trung gian thanh toán cũng phải kết nối với nhau để hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về phía doanh nghiệp, trình độ công nghệ thông tin cần được nâng cao.

Ông Lộc khẳng định, VCCI sẵn lòng hợp tác với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính và khi triển khai để giúp doanh nghiệp có thể nộp thuế điện tử nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao năng lực cạnh trạnh trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.

Bước vào phiên thảo luận, với chủ đề đầu tiên: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công và doanh nghiệp, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng, việc nộp thuế điện tử còn chưa đạt được kết quả như mong đợi có nhiều nguyên nhân. Ở góc độ chủ quan ngành thuế có một số hoạt động cần điều chỉnh, ví dụ việc sử dụng chữ ký số, ở đâu đó còn nhiều thủ tục. Chính sách tuyên truyền cũng cần sâu rộng hơn.

Về phía khách quan từ doanh nghiệp, theo ông Trí, có nhiều đơn vị hạ tầng tốt, trong khi không ít công ty thì chưa đáp ứng được điều này. Do đó, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng sẵn sàng tham gia vào công cuộc thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian qua các ngân hàng đã tích cực tham gia quá trình thu thuế điện tử. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại thực tế là số doanh nghiệp đăng ký thuế điện tử nhiều nhưng thực nộp còn khiêm tốn.

Có nhiều nguyên nhân nhưng theo ông Thắng thì một trong số đó là do việc nộp thuế điện tử liên quan đến công nghệ thông tin của nhiều phía nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ.

Phó thống đốc cho biết thêm, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với Bộ tài chính để đưa ra những giải pháp cụ thể để có hệ thống kết nối liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. "Thanh toán thuế điện tử, cá nhân tôi rất lạc quan nhưng bên cạnh nổ lực của các bộ ngành trong nước thì cần sự hợp tác từ các tổ chức ngước ngoài", ông nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam đã chọn thuế và hải quan là hai lĩnh vực tiên phong trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính.

Điều quan trọng nhất để đẩy mạnh thu nộp thuế điện tử theo ông Lộc là các cơ quan phải tạo niềm tin cho doạnh nghiệp và người dân. Niềm tin này được xây dựng từ phần cứng và phần mềm. Trong đó, phầm mềm phải được đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết kế tối ưu...cần phải hướng đến chuẩn quốc tế.

Về phần cứng, Nhà nước cần phải đầu tư, huy động các doanh nghiệp công nghệ thông tin cùng chung tay vào công cuộc xây dựng hệ thống thu thuế điện tử. Phải đảm bảo hệ thống thông suốt, không tắc nghẽn vào hạn chót nộp thuế khiến doanh nghiệp bị phạt.

Đồng thời, các công ty công nghệ thông tin phải phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính, ngân hàng tổ chức các sự kiện thúc đẩy thu thuế điện tử. Mở các khoá đào tạo về nộp thuế điện tử cho các hiệp hội doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp dễ dàng thao tác nộp thuế điện tử.

Trước câu hỏi, việc thu thuế của 1,5 triệu hộ gia đình kinh doanh cá thể nên được thực hiện ra sao, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, không quá khó nếu tạo được sự thuận lợi cho người nộp.

"Làm thế nào để thuận lợi thì người ta sẽ tự động làm. Do đó, cơ quan quản lý cần tạo ra môi trường thanh toán minh bạch, thuận lợi. Bên cạnh việc tuyên truyền mạnh về lợi ích của hình thức này thì nên mở rộng hình thức nộp thuế theo cách đơn giản hơn", chuyên gia này cho hay.

Theo bà Cúc, đối với nhưng hộ kinh doanh cá thể, cho thuê nhà, nhiều người ít hiểu về công nghệ thông tin, do đó rất khó để cập nhật công nghệ với họ. Vì vậy, bà đề xuất nên xây dựng phương án cho phép nộp thuế qua ATM, giảm thiểu các khâu phức tạp, kê khai rườm rà.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng dường như thanh toán điện tử nói chung và hình thức POS nói riêng đang bỏ quên phần rất lớn trên thị trường khi mới chỉ tập trung ở các điểm mua sắm hiện đại, ở thành phố lớn. Trong khi đó bán lẻ truyền thống chiếm tỷ lệ lớn trên thị trường nhưng rất nhiều nơi chưa có thanh toán điện tử.

Do đó, bà Loan đề xuất cần xây dựng các giải pháp kết nối và hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, người tiêu dùng. "Làm sao để tuyên truyền, động viên để thanh toán điện tử đi vào từng phân khúc bán lẻ, trong đó không chỉ mở rộng độ phủ ở thành thị mà còn cả những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng sa", bà Loan nói.

Về phía ngân hàng, ông Đào Minh Tuấn, Phó tổng giám đóc Vietcombank cho rằng để thúc đẩy thu thuế điện tử cần ban hành một hệ thống chuẩn đồng bộ giữa các bộ ngành, người dân đảm bảo hệ thống giao dịch và thanh toán liên ngân hàng ổn định.

Không nên để tình trạng Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng và người dân lại mở tài khoản ở một ngân hàng không có kết nối với nhau. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc để ban hành hệ thống chuẩn này.

vnexpress

Nhận xét