Đứt gánh giữa đường vì không chuẩn bị trước khi du học

Đi vội vàng, Duyên rơi vào khủng hoảng trầm trọng do vốn tiếng Anh hạn chế, không thể hòa nhập với bạn bè. Đến khi bố đột ngột mất việc, không thể lo được học phí, em đành quay về Việt Nam.

Học xong THCS, đang chuẩn bị vào THPT thì Duyên (quận 7, TP HCM) có dì từ Mỹ về thăm. Thấy học trường quốc tế ở Việt Nam khá tốn kém, người dì khuyên gia đình cho con sang Mỹ theo học.

Thích khám phá nước Mỹ, Duyên xin cha mẹ du học và được đồng ý ngay. May mắn xin được visa vì có dì bảo lãnh nên chỉ trong một tháng Duyên đã hoàn thành mọi thủ tục và cùng dì xách ba lô sang Mỹ du học.

Sang tới Mỹ đúng vào thời điểm nhập trường, Duyên đã chọn vào học trường Pope John XXIII (bang Massachussett) cho gần nhà dì. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi học nữ sinh gặp rất nhiều vấn đề và rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Em cho biết phải học ở ngôi trường toàn người bản địa, trong khi khả năng tiếng Anh còn hạn chế nên thời gian đầu gần như bị cô lập hoàn toàn.

"Mỗi việc kết bạn thôi em cũng gặp khó khăn và có cảm giác như bị cô lập. Ngày ngày em tới lớp, tối chỉ biết thui thủi trong nhà không biết nói chuyện với ai. Riết một thời gian dài em gần như bị trầm cảm", Duyên chia sẻ.

Việc học ở lớp cũng trở thành vấn đề nan giải khi Duyên bị tụt lại vì không thể hiểu hết bài giảng của giáo viên, nhất là môn xã hội. "Có lần thấy em được điểm cao môn Toán, giáo viên khuyến khích lên bảng giảng lại cho các bạn. Mặc dù có kiến thức nhưng vốn từ còn ít nên em cứ giảng hoài mà không ai hiểu. Lúc đó bí quá em chuyển sang tiếng Việt khiến cả lớp cười ầm lên", Duyên nhớ lại.

Tình hình càng trở nên căng thẳng khi giữa gia đình Duyên và dì có xích mích, việc em tiếp tục ở lại nhà dì trở nên ngột ngạt. Quá mệt mỏi, Duyên gọi điện về nhà mong muốn được quay về Việt Nam học. Ba mẹ đã động viên em cố gắng học xong chương trình lớp 10, đồng thời nhờ người chuyển trường và cho em ra ở riêng.

Từ kinh nghiệm của bản thân, Duyên sau đó đã chọn trường Houghton Academy (New York) để học. Trường có gần 50% du học sinh quốc tế, đặc biệt rất đông người châu Á nên nữ sinh Việt Nam dễ dàng hòa nhập và bắt kịp bạn.

Sau khi hòa đồng được vào môi trường mới, Duyên dự định học xong chương trình phổ thông sẽ lên đại học ở Mỹ. Tuy nhiên đến cuối lớp 12, gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi ba đột nhiên mất việc, một mình mẹ không thể kham nổi mức chi phí hơn 45.000 USD/năm (bao gồm học phí và tiền sinh hoạt). Duyên đành gấp rút học xong chương trình phổ thông rồi quay về Việt Nam.

Nữ sinh sau đó chọn chuyển tiếp vào Đại học RMIT để theo học chuyên ngành Truyền thông. Nuôi giấc mơ tiếp tục du học, Duyên cho biết sẽ cố gắng xin học bổng học lên thạc sĩ ở Phần Lan. "Tuy nhiên, nước này đang có quyết định không tiếp tục miễn học phí cho du học sinh quốc tế vào năm tới nên có thể việc xin vào học ở các trường Phần Lan sẽ khó khăn hơn", Duyên nói.

Cũng không có ý định du học từ trước, Anh Tuấn (ngụ Vũng Tàu) cho biết khi đang học trung học ở Việt Nam thì có một chương trình tư vấn du học về trường. Thích được sang nước ngoài học nên Tuấn làm hồ sơ và được trường St Joseph's Institution (Singapore) nhận vào với mức học bổng 100% học phí cho chương trình phổ thông.

Tuy nhận được học bổng 100%, nhưng hàng tháng gia đình vẫn phải gửi thêm cho Tuấn khoảng 1.000 USD để trả chi phí ăn ở, đi lại và tiêu dùng cá nhân. Số tiền không quá lớn, nhưng với thu nhập ở mức trung bình nên ba mẹ Tuấn khá vất vả để lo cho con. Khi đã gần học xong chương trình và có ý định tiếp tục xin học bổng một phần để học lên đại học thì ba Tuấn mất đột ngột.

"Lúc nhận tin ba mất em suy sụp hoàn toàn, sau khi về Việt Nam đưa tiễn ba, em quay lại Singapore để hoàn thành chương trình phổ thông", Tuấn chia sẻ. Cậu cho biết một năm sau đó mẹ đã rất vất vả, thậm chí là phải vay mượn khắp nơi để Tuấn không phải bỏ dở chương trình.

Mặc dù hoàn thành được chương trình phổ thông, nhưng do lệch thời gian (tốt nghiệp phổ thông ở Singapore vào tháng 12/2013 trong khi xét tuyển đại học ở Việt Nam vào tháng 8/2014) nên Tuấn phải học chậm một năm so với các bạn cùng lứa.

Với mong ước tiếp tục được du học, Tuấn sau đó theo học ngành Quản trị kinh doanh ở Đại học Quốc tế TP HCM. Đây là chương trình liên kết giữa Đại học Quốc tế và Đại học Auckland University of Technology (New Zealand) nên hai năm đầu Tuấn học ở Việt Nam, hai năm sau sẽ được học ở New Zealand.

"Rút kinh nghiệm lần trước, lần này trở về Việt Nam trong lúc chờ học đại học em đã tranh thủ xin làm thêm ở một công ty nước ngoài để phụ mẹ tích góp tiền cho việc du học", Tuấn chia sẻ.

Hiện ở TP HCM có nhiều trường nhận chuyển tiếp học sinh từ nước ngoài chuyển về. Trong đó một số trường như Đại học Quốc tế, Hoa Sen, đặc biệt là RMIT có khá nhiều du học sinh chọn khi quay về Việt Nam học. Sinh viên sẽ được vào học cùng ngành hoặc những ngành tương tự với đại học ở nước ngoài. Những tín chỉ, chương trình đã được hoàn thành ở đại học khác sẽ được chấp nhận nếu như phù hợp.

>> Nghịch lý giá gà công nghiệp
>> 10 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục năm 2015

Nguyễn Loan/vnexpress

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Nhận xét