Một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của CEO chính là việc xây dựng sự tin tưởng và đoàn kết giữa các nhân viên trong nội bộ công ty. Điều này không có gì bí mật. Điều bí mật thực sự nằm ở chỗ là nên làm chuyện đó như thế nào.
Chris Oberbeck, Chủ tịch kiêm CEO của công ty đầu tư Saratoga Investment, đã nhìn vào tư duy của một số các nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của thế kỷ 21 để học hỏi cách họ xây dựng nền văn hóa tin tưởng.
1. Tạo nên các kết nối thực
"Khi đối xử với con người, hãy nhớ rằng bạn không phải đang đối phó với các sinh vật logic mà là những sinh vật nhiều cảm xúc". – Diễn giả, tác giả và nhà giáo dục Dale Carnegie
Nhiều nhà CEO quá tập trung vào hoạt động kinh doanh, điều đó khiến họ thường gặp khó khăn khi trao đổi những chuyện ngoài công việc với đội ngũ của mình. Hầu hết trường hợp, việc kết nối với các nhân viên có thể đặt ra yêu cầu phải ngắt đi nhiều kết nối khác.
Ví dụ, bạn cần tránh lạm dụng quá nhiều email và các thiết bị công nghệ, thay vào đó hãy chịu khó tương tác “mặt đối mặt” để xây dựng lòng tin. Không gì tạo dựng niềm tin nhiều như việc bắt chặt tay của ai đó hoặc nhìn thẳng vào mắt họ.
Trên cương vị là một CEO, bạn sẽ có nhiều nhân viên chưa bao giờ từng gặp bạn, và đôi lúc việc bạn cần làm chỉ là cho họ thấy rằng bạn không phải là người “cõi trên” ngồi đâu đó xa xăm.
Các sự kiện như team building hay các buổi tiệc của công ty là những cách hay để tạo dựng tinh thần đoàn kết cho công ty. Hãy nắm bắt nhân sự của mình càng kỹ càng tốt, và quan trọng hơn nữa là hãy cho họ cơ hội được hiểu thêm về bạn.
2. Nói lời và giữ lấy lời
"Bạn phải mất 20 năm để xây dựng danh tiếng và chỉ cần 5 phút để hủy hoại nó". - Warren Buffett, Chủ tịch kiêm CEO của Berkshire Hathaway
Lời nói chính là giá trị của bạn. Nếu bạn hứa hẹn điều gì đó với nhân viên của mình, hãy làm đúng điều đó. Bạn sẽ phá hủy danh tiếng của mình rất nhanh nếu thất hứa. Việc bạn nói gì và cách bạn trình bày thế nào cũng rất quan trọng.
Là một nhà lãnh đạo, bạn phải biết chính xác những gì mình nói và làm thế nào để thực hiện điều đó. Bằng không, việc đó đồng nghĩa với việc bạn không giữ lời hứa của mình, khiến bạn mang tiếng là người không đáng tin cậy. Đó là điều tồi tệ nhất vì nó sẽ tạo ra những rạn nứt trong nền tảng của tất cả mọi thứ khác mà bạn truyền đạt lại cho các nhân viên.
Hãy theo sát từng lời nói của mình và trong trường hợp bạn không thể thực hiện được, bạn vẫn có khả năng có được sự tin tưởng nhiều hơn bằng cách giao tiếp rõ ràng và công khai ngay sau khi đã nhận ra sai lầm của mình.
3. Đặt kỳ vọng rõ ràng
"Để thành công trong kinh doanh, điều cần thiết là làm cho người khác thấy những điều bạn thấy". – Tỷ phú hàng hải Aristotle Onassis
Mỗi khi nhân viên thất bại, đó thường là do họ không được hướng dẫn rõ ràng về những gì bạn mong đợi từ họ. Là một nhà lãnh đạo, điều quan trọng là phải nhận thức được khoảng cách về kiến thức giữa bạn và những người làm việc cho bạn, vì nhân viên của bạn đâu phải là những người đọc được suy nghĩ.
Mặc dù công việc được giao có thể là chuyện hiển nhiên với bạn, nhưng nó cần phải được giải thích theo cách khác cho nhân viên của bạn. Nhiều lúc, điều ngược lại cũng là sự thật.
Đôi khi, điều đó đòi hỏi sự thay đổi trong quan điểm của bạn, bạn cần được nhìn mọi thứ như cách mà nhân viên của bạn thấy. Hãy xem đó là một cơ hội học tập cho bản thân chứ không phải là một thất bại.
4. Không cần phải có tất cả câu trả lời
"Đừng học cách đi theo những nguyên tắc. Hãy học từ hành động và từ những lần vấp ngã". – Tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Group
Như đã nêu trong các điểm trên, hãy coi thất bại là cơ hội để học tập thay vì xem nó như thất bại. Không một ai có tất cả các câu trả lời vào tất cả các thời điểm, dù có là CEO đi nữa.
Các CEO thành công nhất đều là những người không ngần ngại chấp nhận rủi ro, ngay cả khi kết quả không phải lúc nào những gì họ mong đợi. Thực sự mà nói, bạn có thể đạt được nhiều thành công hơn nếu biết học tập từ sự thất bại.
5. Đặt tin tưởng ngay từ đầu
"Cách tốt nhất để tìm hiểu xem bạn có thể tin tưởng ai đó là phải tin tưởng họ". - Ernest Hemingway
Lòng tin không phải là một hợp đồng pháp lý. Thay vì nghĩ về niềm tin là một cái gì đó có thể đem ra thương lượng, hãy suy nghĩ về nó như một điều mà bạn tìm kiếm lại từ những người khác, sau khi đã trao nó cho họ.
Có rất nhiều công ty hoạt động trong một nền văn hóa nhiều sự sợ hãi, điều này gây nhiều khó khăn cho nhân viên ở tất cả các cấp. Sự thay đổi văn hóa tốt nhất đến từ những người đầu tàu sẵn sàng và có khả năng tạo dựng hình ảnh gương mẫu. Hãy cố gắng hướng tới một nền văn hóa của sự tin tưởng, và bạn sẽ phải ngạc nhiên về sự hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả giữa các nhân viên.
> Dịch vụ thuê ngoài nhân sự
> 5 mẹo đối phó với câu hỏi phỏng vấn kỳ quặc
Ý NHI (Theo Entrepreneur)/NCĐT
Nhận xét
Đăng nhận xét